Họ và tên: Phạm Trần Thanh Trâm - Lớp 11 Văn
CHỦ ĐỀ: “CUỐN SÁCH TÔI YÊU”
Tầm quan trọng của sách:
Victo Hugo, tác giả nổi tiếng của cuốn sách “Những người khốn khổ” đã từng cho rằng: “Chính từ sách mà những người khôn ngoan tìm được sự an ủi khỏi những rắc rối của cuộc đời”. Các bà mẹ Do Thái cũng đều nghiêm túc dạy bảo con của họ: “Sách là nơi cất giấu trí tuệ , mà trí tuệ còn quý hơn cả tiền bạc, châu báu vì không ai có thể cướp đi được.” Do Thái là dân tộc duy nhất không có người mù chữ. Ngay cả người ăn xin cũng có quyển sách bên cạnh. Đọc sách, đối với họ không chỉ là một thói quen khó bỏ mà còn là một nhu cầu tự nhiên như hơi thở: “Không thể sống mà không đọc sách.”
Vậy sách là gì? Sách là nơi ghi lại, lưu trữ những hiểu biết của con người, những tinh hoa văn hóa của nhân loại và ở đó cũng chính là nơi chia sẻ những thông tin giữa người với người.
Đối với tôi, sách là thầy, là bạn và là trường học vĩ đại nhất giúp thanh lọc tâm hồn và tôi luyện ý chí mỗi người, từ đó, giúp ta trở thành người hoàn hảo hơn.
Giới thiệu cuốn sách:
Bạn đã bao giờ đọc một cuốn sách về chiến tranh hay chưa? Tôi hiểu chiến tranh là thương đau, là mất mát còn là sự giằng xé nội tâm gay gắt của những người ở lại. Qua những tiếng súng, máu chảy thành sông. Qua những quả bom rơi, xác chết chất đầy. Để rồi, nó khiến lòng người run rẩy, ám ảnh và xót xa. Tác giả của cuốn sách “Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ” đã từng viết: Ở đấy, ta không thấy anh hùng cũng chẳng thấy chiến công không tưởng tượng nổi, mà chỉ đơn giản có những cá nhân bị cuốn vào một công việc phi nhân của nhân loại. Và trong ấy, không chỉ có họ (con người!) phải chịu đau đớn vì chiến tranh: cùng với con người là đất đai, chim chóc, cây cỏ. Toàn bộ thiên nhiên. Chúng chịu đau đớn mà chẳng nói được một lời, thế càng kinh khủng hơn… Có thể, chiến tranh là thứ ta chẳng bao giờ muốn nhắc lại. Chiến tranh trong quá khứ là điều gì đó ám ảnh đau khổ và kinh hoàng. Cũng đồng thời là một cuốn sách hư cấu dựa trên bối cảnh thế chiến thứ hai khi Đức Quốc Xã xâm chiếm Châu Âu và bắt giam tất cả những người Do Thái nhưng quyển sách ấy lại không có lấy tiếng bom rơi, tiếng súng nổ phủ màu máu tươi đến kinh hoàng nhưng khiến lòng tôi không khỏi day dứt, bồi hồi và ám ảnh. Đó là tác phẩm Chú bé mang Pyjama sọc của nhà văn John Boyne.
Đôi nét về tác giả John Boyne
John Boyne là một tiểu thuyết gia nổi tiếng sinh năm 1971 tại Ireland. Các tác phẩm của anh đã được dịch ra 17 thứ tiếng. Riêng cuốn sách Chú bé mang Pyjama sọc đã bán được 5 triệu bản in trên khắp thế giới, từng đứng đầu các danh sách bán chạy tại Mỹ, Anh, úc, Tây Ban Nha và nhiều quốc gia khác. Cuốn sách là một câu chuyện ám ảnh đến tuyệt vời.
Cuốn sách Chú bé mang Pyjama sọc
Chú bé mang Pyjama sọc với bìa sách được thiết kế vô cùng đơn giản thoạt nhìn nó toát lên điều gì đó rất trẻ thơ, hồn nhiên với hình vẽ hai chiếc máy bay hướng về phía bầu trời. Một chiếc được kẻ sọc, một chiếc màu vàng tượng trưng cho hai cậu bé Shmuel và Bruno. Nhìn về hình ảnh chiếc máy bay, nhìn vào tên của cuốn sách ta cứ ngỡ câu chuyện mà tác giả muốn truyền đạt vừa hồn nhiên, vừa ngây thơ. Nhưng không hẳn là vậy, bạn có để ý không giữa hai chiếc máy bay ấy còn có sự hiện hữu củamột hàng rào thép gai. Điều ấy có nghĩa là gì?
Mở đầu trang sách ghi dấu ấn với độc giả là hình ảnh cậu bé Bruno con trai của Ngài chỉ huy Đức Quốc xã. Cậu bé hiện lên với vẻ ngây ngô, trong sáng khiến bạn đọc không khỏi chạnh lòng. Cậu bé ấy thích kết bạn với những người bạn mới, thích đọc sách thám hiểm, thích hòa mình vào những chuyến phiêu lưu và có một tâm hồn trong veo như tuyết đọng đầu mùa. Phía bên kia hàng rào,
Trái ngược với Bruno cả về thân phận và hoàn cảnh, thì Shmuel một người Do Thái ở Ba Lan bị Đức Quốc Xã bắt đến trại tập trung Ao Tuýt bị đánh đập, phải lao động cực nhọc và đặc biệt là cậu bé ấy cũng mặc trên mình bộ đồ pyjama sọc.
Hai cậu bé tình cờ gặp nhau, tình cờ sinh cùng ngày, cùng tháng, cùng năm lại dần trở nên thân thiết và chia sẻ cho nhau những tình cảm chân thành nhất bởi chúng không biết về sự đối lập thân phận của mình và về sự tàn bạo của chiến tranh. Và đọng lại ở giây phút ấy, khiến ta nhận ra rằng giữa Người với Người đôi khi lại gần nhau đến thế. Một năm trôi qua, Bruno nhận được tin sẽ phải trở về Berlin nên cậu đã gặp Shmuel và suy tính chuyến phiêu lưu cuối cùng cùng cậu. Cuối cùng, Bruno quyết định vượt qua hàng rào, mặc lên mình bộ pyjama giống Shmuel một mặt để thực hiện lời hứa đi tìm bố cho người bạn thân nhất của mình nhưng quan trọng hơn là cậu muốn khám phá thế giới bên kia hàng rào.
Thoáng thấy hụt hẫng vì mọi thứ không như mình tưởng tượng, lại thấy thất vọng khi không tìm thấy bố của Shmuel nên Bruno có ý định quay về. Thật bất ngờ, vào giây phút ấy, tiếng còi Tuýt vang lên, theo như Shmuel đây chính là lúc họ phải diễu hành và từ đó chẳng ai còn nghe tin gì về Bruno hay Shmuel nữa bởi hai cậu bé ấy đã chết khi bị bắt buộc diễu hành cùng đoàn người Do Thái tiến vào phòng ngạt khí. Thời gian như ngưng đọng, không có máu me, không có tiếng súng chỉ có hai tâm hồn ngây thơ đang tỏa sáng và cái nắm tay của đôi bạn thân mang thân phận đối lập “Cậu cầm lấy bàn tay bé nhỏ của Shmuel siết thật chặt. ‘Cậu là bạn thân nhất của tớ, Shmuel ạ.’ Cậu nói ‘Bạn thân nhất đời của tớ.’” Bất chấp những lộn xộn diễn ra sau đó, Bruno nhận ra mình vẫn đang nắm tay Shmuel và không gì trên đời có thể thuyết phục cậu rời bàn tay đó ra. Cái siết tay của sự trung thành, tin tưởng tuyệt đối vào tình bạn, vào người mà dù mới gặp đã như là anh em thân thuộc. Thứ tình bạn trong sáng ấy tưởng chừng như đã bị chiến tranh dẫm nát nhưng vẫn nở rộ ở nơi không ai ngờ tới.
“Chú bé mang pyjama sọc” đây là một cuốn sách nói về chiến tranh nhưng lại không có tiếng súng nổ nơi chiến trường hay tiếng bom rơi xối xả mà nó như một vòng tuần hoàn lặp lại trong tâm và tiềm thức mỗi người. Mặt trời vẫn mọc, trái đất vẫn xanh, hai cậu bé vẫn nắm chặt tay nhau… nhưng có một gia đình quý tộc mãi mãi mất đi đứa conthân yêu của mình. Có một người cha luôn phải sống trong sự ám ảnh, day dứt và hối hận vì mình đã gián tiếp giết đi đứa con yêu dấu của mình. Đó là cha của Bruno, Ngài chỉ huy của Đức quốc xã. Chính ông đã tạo ra phòng ngạt khí- nơi kết liễu hàng ngàn người Do Thái. Tôi đã từng nghe có người nói rằng “Người lớn đã thắng trong việc công kích chiến tranh, nhưng thua tinh thần của một đứa trẻ.”Qủa thật, ánh mắt ngây thơ, ngô nghê của hai đứa trẻ ấy thật ám ảnh và khó quên. Dù có hoang mang, nhưng bản chất của những đứa trẻ như tờ giấy trắng, nên cậu lí giải mọi thứ theo cái nhìn tốt đẹp nhất, mà không biết rằng tất cả chỉ là ảo ảnh của vỏ bọc lừa dối. Bộ đồ pyjama sọc thực chất là bộ đồ tù nhân của người Do Thái. Hàng rào thép gai ngăn cách giữa hai cậu bé là vách ngăn của giai cấp, tư tưởng, là hàng rào ngăn cách giữa thiện và ác. Đoàn diễu hànhthực chất là bước vào phòng khí ngạt với cái chết thảm thương đến đau lòng.
Qua lăng kính, góc nhìn trong sáng của một đứa bé 9 tuổi, tác phẩm muốn phản chiếu hiện thực tàn khốc, xấu xa và nhẫn tâm nhất của cuộc thế chiến thứ 2. Và đâu đó, giữa không khí ngột ngạt đầy đau thương ấy, vẫn có những thứ tình cảm thiêng liêng bất diệt. Giống như lời của nhà thơ John Betjeman - “Tuổi thơ được đong đếm bằng âm thanh, mùi hương và cảnh đẹp, trước khi thời khắc đen tối của lý trí trỗi dậy.”