Kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Phan Đăng Lưu (5/5/1902 - 5/5/2022): Người chiến sĩ cộng sản kiên cường, mẫu mực

Ngày đăng: 07:30 05/05/2022

Với 39 năm tuổi đời, trong đó có hơn 7 năm bị giam cầm trong lao tù đế quốc, đồng chí Phan Đăng Lưu đã cống hiến và hy sinh trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta. Nhắc đến đồng chí Phan Đăng Lưu là nhắc đến người chiến sĩ cộng sản kiên cường, mẫu mực, có lòng yêu nước, thương dân sâu sắc, nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng, cách mạng Việt Nam.

Quang cảnh hội thảo khoa học “Đồng chí Phan Đăng Lưu với cách mạng Việt Nam và quê hương Nghệ An”, tháng 4-2022.

 

Nhiều đóng góp với cách mạng

       Đồng chí Phan Đăng Lưu sinh ngày 5-5-1902 trong một gia đình nhà Nho có truyền thống yêu nước ở thôn Đông, xã Tràng Thành (nay là xã Hoa Thành), huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Ảnh hưởng sự giáo dục của gia đình và truyền thống yêu nước quê hương cách mạng, ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Phan Đăng Lưu đã ấp ủ hoài bão giúp dân, giúp nước. Giai đoạn 1923-1924, sau khi tốt nghiệp Trường Canh nông thực hành ở tỉnh Tuyên Quang, Phan Đăng Lưu được nhận làm viên chức của Sở Canh nông Bắc Kỳ và công tác tại trạm nghiên cứu tơ tằm ở huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ. Một năm sau, Phan Đăng Lưu chuyển về làm việc tại Sở Canh nông Nghệ An ở Vinh và gia nhập Hội Phục Việt - tổ chức tiền thân của Tân Việt Cách mạng Đảng; bước vào giai đoạn hoạt động cách mạng sôi nổi. Nghi ngờ Phan Đăng Lưu có liên quan đến các hoạt động chính trị chống Pháp, tháng 6-1927, Khâm sứ Trung Kỳ ra quyết định thải hồi.

Cuối tháng 9-1928, đồng chí được Tổng bộ Tân Việt cử sang Quảng Châu (Trung Quốc) để bàn việc hợp nhất với Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên và sau đó bị địch bắt vào tháng 9-1929.

       Giữa năm 1936, sau gần 7 năm bị giam cầm ở nhà lao Vinh (tỉnh Nghệ An) và nhà tù Buôn Ma Thuột, trở thành đảng viên cộng sản trong nhà tù, Phan Đăng Lưu được ân xá trở về quê nhà Nghệ An một thời gian rồi trở vào Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế) hoạt động. Tại đây, đồng chí nhanh chóng kết nối với các cán bộ Đảng đang hoạt động ở Huế bước đầu củng cố, hình thành Ban Lãnh đạo của Đảng ở Trung Kỳ. Sau khi liên lạc được với Trung ương Đảng, đồng chí được Trung ương chỉ định tham gia Xứ ủy lâm thời Trung Kỳ. Đây là cống hiến đầu tiên của đồng chí trong công tác xây dựng hệ thống tổ chức Đảng ở Trung Kỳ.

        Trong quá trình hoạt động ở Huế, với ưu thế về vốn chữ Nho, chữ Pháp và tầm nhìn, kinh nghiệm tuyên truyền, thuyết phục, vận động, tổ chức quần chúng, cùng với quan hệ rộng trong các tầng lớp xã hội, đồng chí Phan Đăng Lưu đã góp phần quan trọng cùng Xứ ủy Trung Kỳ lãnh đạo phong trào đấu tranh cách mạng ở đây giành được nhiều thắng lợi, gây tiếng vang lớn lúc bấy giờ.

        Tháng 9-1937, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Trên cương vị mới, đồng chí đã đóng góp tích cực vào công tác lãnh đạo và chỉ đạo cuộc đấu tranh cải tổ Viện Dân biểu Trung Kỳ kết hợp với các cuộc đấu tranh của quần chúng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là đồng chí Phan Đăng Lưu, cuộc đấu tranh đã giành thắng lợi to lớn, biến Viện Dân biểu thành diễn đàn đấu tranh công khai của Đảng hướng tới các mục tiêu đòi các quyền tự do, dân chủ. Tháng 9-1939, đồng chí Phan Đăng Lưu được Trung ương phân công phụ trách phong trào các tỉnh Nam Kỳ.

        Trong nửa đầu năm 1940, trước sự tăng cường đàn áp, khủng bố của kẻ thù, các đồng chí trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần lượt bị bắt. Ban Chấp hành Trung ương chỉ còn lại một mình đồng chí Phan Đăng Lưu chèo lái con thuyền cách mạng nước ta. Khó khăn, thử thách to lớn này đặt lên vai đồng chí những trọng trách mới, nhất là sau khi Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ Võ Văn Tần bị địch bắt.

         Từ ngày 6 đến 9-11-1940, Hội nghị Trung ương lần thứ bảy của Đảng diễn ra tại làng Đình Bảng (huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh), đồng chí được cử vào Ban Chấp hành Trung ương mới và được giao nhiệm vụ trở vào Nam truyền đạt ý kiến của Trung ương về hoãn cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ. Ngày 22-11-1940, khi vừa về tới Sài Gòn chưa kịp truyền đạt ý kiến của Trung ương thì Phan Đăng Lưu bị mật thám Pháp bắt. Ngày 3-3-1941, đồng chí bị Tòa án binh của địch kết án tử hình. Ngày 26-8-1941, đồng chí bị xử bắn tại trường bắn Ngã Ba Giồng, Bà Điểm, Hóc Môn, tỉnh Gia Định.

Tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng

      Cuộc đời của đồng chí Phan Đăng Lưu đã để lại tấm gương đạo đức sáng ngời của một con người tận trung với nước, tận hiếu với dân, không màng danh lợi. Tại Hội thảo khoa học "Đồng chí Phan Đăng Lưu với cách mạng Việt Nam và quê hương Nghệ An" do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Tỉnh ủy Nghệ An tổ chức, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng khẳng định: "Sớm mang trong mình tinh thần yêu nước, thương dân sâu sắc, mặc dù đã có một công việc ổn định trong bộ máy chính quyền thực dân, điều không dễ có được trong bối cảnh xã hội Việt Nam lúc bấy giờ, song đồng chí đã chọn con đường tranh đấu, hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, mang lại tự do, hạnh phúc cho nhân dân - một con đường đầy chông gai, thử thách, nhưng cũng hết sức vẻ vang. Đồng chí là tấm gương tiêu biểu của một người thanh niên trí thức yêu nước nhiệt thành đã từ bỏ con đường mưu cầu danh lợi cá nhân để đến với lý tưởng cộng sản cao đẹp và trở thành một trong những đảng viên thế hệ đầu tiên của Đảng".

       Đặc biệt, với kinh nghiệm hoạt động thực tiễn phong phú, năng lực tổ chức tài tình, đồng chí Phan Đăng Lưu đã chỉ đạo phát huy rất hiệu quả vai trò của báo chí cách mạng, đưa báo chí trở thành công cụ sắc bén trong công tác tuyên truyền, vận động và tổ chức lực lượng đấu tranh. Đồng chí vừa là nhà tổ chức, chỉ đạo công tác báo chí cách mạng, vừa là cây bút sắc sảo, với nhiều bài viết tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, khơi dậy tinh thần yêu nước, động viên, hướng dẫn nhân dân đấu tranh chống bọn thực dân đế quốc, bọn phản động thuộc địa.

        Cuộc đời hoạt động cách mạng oanh liệt của đồng chí Phan Đăng Lưu tuy ngắn ngủi nhưng những đóng góp của đồng chí cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, dân tộc rất quan trọng và to lớn. Những cống hiến to lớn và tấm gương cộng sản sáng ngời của đồng chí Phan Đăng Lưu được toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta và các thế hệ mai sau đời đời trân trọng, ghi nhớ, biết ơn sâu sắc.

        Kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Phan Đăng Lưu là dịp để chúng ta ôn lại cuộc đời, tấm gương chiến đấu, hy sinh và những cống hiến to lớn của đồng chí đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Đồng thời qua đó tuyên truyền, giáo dục về chủ nghĩa yêu nước, tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời của các cán bộ tiền bối tiêu biểu để các thế hệ hôm nay học tập, noi theo.

Nguồn: Đình Hiệp

Tin liên quan

Liên kết chuyên mục

thoi khoa bieuket qua hoc tap

kho tai lieulich cong tac

Thống kê truy cập

Đang trực tuyến 23
Hôm nay 3198
Tháng này 32119
Tổng truy cập 1682767
Website hoạt động từ 11/2018